Phương án quản lý rừng bền vững tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur lời giải cho bài toán bảo tồn đa dạng sinh học

07/01/2025

Trong tổng số hơn 10 nghìn ha do Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur quản lý, diện tích rừng tự nhiên chiếm tới hơn 7.000 ha. Đặc biệt, Hệ thực vật phong phú đa dạng, có giá trị cao về khoa học và kinh tế. Khu hệ thực vật ghi nhận có các loài cây gỗ phân bố nằm trong sách đỏ: Trắc; Hoàng đằng; Gõ đỏ; Giáng hương quả to, Căm xe, .....Ngoài ra còn một số loài có giá trị kinh tế và một số loài cây dược liệu.

Cũng như các Ban quản lý rừng phòng hộ trên toàn tỉnh Gia Lai, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur chưa có bộ phận chuyên trách làm công tác cứu hộ, phát triển sinh vật với chức năng: Cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp; nghiên cứu tập tính trong nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn và phát triển; sưu tập, gây trồng bảo tồn nguồn gen và tạo giống các loài thực vật quý hiếm của Việt Nam. Tuy nhiên, Ban đã làm tốt công tác tiếp nhận cứu hộ, phục hồi các loài sinh vật sau tịch thu từ các vụ vi phạm pháp luật nghiên cứu thực địa, tái thả sinh vật về môi trường sống tự nhiên sau cứu hộ. Song song với việc quản lý, bảo vệ rừng thì việc lưu trữ, bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cũng được Ban làm tốt trên cơ sở: Nghiên cứu, thu thập các số liệu, thông tin về sinh học, sinh lý, sinh thái, phân bố và tình trạng của các loài sinh vật được bảo tồn; Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Phát hiện voi ở biên giới xã Iameur - Chư Prông (Nguồn ảnh: Sài Gòn Giải Phóng online)

Theo phương án, Ban có kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các khu rừng có giá trị về mặt sinh thái, không sử dụng các khu rừng có giá trị bảo tồn vào mục đích thương mại, không xây dựng cơ sở hạ tầng, không sử dụng hóa chất. Chỉ thu hái một số lâm sản phụ như cây thuốc, nấm... nhưng không được diễn ra trong mùa giao phối, sinh sản.
Bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm: Lập danh mục các loài động, thực vật quý hiếm, xác định khu vực phân bố lên bản đồ và thực địa. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền phổ biến danh sách các loài động vật rừng nguy cấp quý hiếm, các biện pháp bảo vệ và các hành vi nghiêm cấm với những đối tượng này; In ấn tờ rơi  có hình ảnh của những loài này kèm theo tên địa phương để người dân dễ nhận biết, lắp đặt một vài bảng, biển ghi nội dung, hình ảnh và mức phạt đối với các hành vi săn bắt trái phép ở cửa rừng . 

Xác định các khu rừng có giá trị về mặt sinh thái; Xây dựng kế hoạch quản lý và bảo vệ theo từng loại rừng lâu dài, ổn định. Tiếp tục triển khai công tác tuần tra kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng một cách thường xuyên và sát sao, bám giữ địa bàn, kịp thời phát hiện những vụ vi phạm lâm luật. Xây dựng phương án về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm. Đề ra các biện pháp thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng ngừa những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.

Tóm lại, Phương án quản lý rừng bền vững nêu lên được thực trạng hệ thực vật, động vật tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur cũng như đưa ra phương án, biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái nơi đây với tiêu chí đa dạng sinh học là yếu tố quyết định tính ổn định và là cơ sở sinh tồn của sự sống cho trái đất. Bảo vệ sự đa dạng sinh học sẽ giúp tạo sự cân bằng sinh thái trong tự nhiên, giảm nguy cơ tuyệt chủng các giống loài; giữ gìn nguồn tài nguyên cung ứng cho đời sống con người; đảm bảo lợi ích vật chất kinh tế và các giá trị tinh thần vô hình…
Tải: Quyết định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur

Tel: 024.3641 3620